Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Xuất Khẩu gỗ, sản phẩm gỗ sang EU có gặp trở ngại?



Từ ngày 3/3, Quy chế 995/2010 của Liên minh Châu Âu (EU) có hiệu lực ở toàn bộ 27 quốc gia thuộc liên minh này. Theo Quy chế, gỗ và sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp mới được phép nhập khẩu vào EU. Việc thực hiện quy chế này sẽ ảnh hưởng thế nào tới XK gỗ của Việt Nam sang EU?

Đến ngày Quy chế 995/2010 có hiệu lực, nhiều DN XK gỗ sang EU đã tỏ ra lo lắng do họ vẫn còn khá mù mờ về cách chứng minh nguồn gốc hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ. Trước tình hình đó, vào ngày 16/1 vừa rồi, Tổng cục Lâm nghiệp đã có công văn gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, về việc quy định gỗ hợp pháp của EU có hiệu lực từ 3/3/2013. 

Theo đó, hiện nay Việt Nam và EU vẫn đang trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Tự nguyện (gọi tắt là VPA/FLEGT), nhằm xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp và cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU.


Xuất Khẩu gỗ, sản phẩm gỗ sang EU có gặp trở ngại

Tuy nhiên, quá trình đàm phán chưa kết thúc, do vậy các DN XK gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam vào EU phải thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy của Quy chế 995/2010. Các DN có chứng chỉ COC hoặc sử dụng gỗ có nguồn gốc hợp pháp và có chứng chỉ như FSC, PEFC … hoàn toàn yên tâm là sẽ đáp ứng được quy định giải trình.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) cho hay, mọi thông tin về việc giải trình theo quy chế 995/2010 đều đã được phổ biến tới các DN thành viên. Hiện các DN XK gỗ sang EU đã sẵn sàng giải trình khi nhà nhập khẩu có yêu cầu. Tuy nhiên, chắc chắn sau ngày 3/3, XK gỗ và sản phẩm gỗ sang EU vẫn có thể bị ảnh hưởng ở một số DN, một số trường hợp nào đó, mà ít nhất phải đến cuối tháng 3, mới có thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng là bao nhiêu. 
 
Chẳng hạn, nếu gỗ nguyên liệu NK từ Mỹ hay một nước EU nào đó, chắc chắn sẽ nhận được sự tin tưởng ngay của nhà nhập khẩu về nguồn gốc hợp pháp của gỗ nguyên liệu. Còn nếu là gỗ nhập khẩu từ Indonesia, Myanmar …, thì mức độ tin cậy sẽ kém hơn, nên phải đòi hỏi nhiều hơn về việc giải trình về nguồn gốc gỗ.

Bởi theo ông Hạnh, trách nhiệm giải trình là trách nhiệm vô hạn. Tùy theo từng nhà nhập khẩu ở từng nước EU mà những yêu cầu giải trình đối với các nhà XK từ Việt Nam có thể khác nhau. Và việc giải trình có nhanh gọn hay không, dễ dàng hay khó khăn, phức tạp, còn tùy thuộc vào nguồn gốc nguyên liệu gỗ mà nhà sản xuất Việt Nam sử dụng. 





Năm nay ngành gỗ phấn đấu đạt mức tăng trưởng XK khoảng 7-8% so với năm 2012, qua đó đạt kim ngạch XK khoảng 5,1 tỷ USD.



Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho hay, do quá trình đàm phán với EU sẽ còn kéo dài đến hết năm 2013, thậm chí có thể sang năm 2014, vì thế phía Việt Nam đã bàn thảo với EU về việc tạo điều kiện cho các DN Việt Nam được XK gỗ một cách bình thường như trước đây, cho đến khi 2 bên đã cùng thống nhất và ký kết Hiệp định Đối tác Tự nguyện.

Ông Quyền khẳng định, từ ngày 3/3, việc XK gỗ và đồ gỗ Việt Nam sang EU vẫn có thể sẽ tiếp tục được tiến hành bình thường. Cũng theo ông Nguyễn Tôn Quyền, XK gỗ trong những tháng đầu năm nay đang tiếp tục thuận lợi. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 1, kim ngạch XK gỗ đạt trên 488 triệu USD, tăng tới 74,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nửa đầu tháng 2, dù bị ảnh hưởng bởi thời gian nghỉ tết, nhưng các DN vẫn thực hiện XK được trên 109 triệu USD sản phẩm gỗ.

Đến thời điểm này, nhiều DN gỗ đã có được hợp đồng XK sang Mỹ tới giữa năm nay. Theo dự báo của HAWA, XK nhóm hàng đồ gỗ nội thất dùng cho văn phòng năm nay có thể đạt mức tăng trưởng 25-30% so với năm ngoái. HAWA cũng dự báo XK gỗ nói chung sang các thị trường chính đều sẽ tăng trưởng: Thị trường Mỹ tăng khoảng 18%, Trung Quốc tăng 15%, Nhật Bản tăng 11-12%, EU tăng 8-10%…

Theo baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét