Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Nguyên liệu gỗ vẫn còn nghịch lý?


Miền Bắc và miền Trung là khu vực có diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng chiếm khoảng 70% cả nước, nhưng chỉ có các cơ sở chế biến dăm mảnh, ván bóc. Vì vậy, trong lúc chỉ sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng để sản xuất 65.000 tấn bột giấy, Tổng Công ty Giấy Việt Nam lại xuất khẩu hơn 606.000 tấn dăm với giá 125 USD/tấn, nhưng khi nhập khẩu bột giấy về sản xuất lên đến 900-1.000 USD/tấn. 

Vùng nguyên liệu rừng trồng có thể nói là chưa thật sự gắn với ngành chế biến gỗ để xuất khẩu, tập trung ở vùng Đông Nam bộ như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… và duyên hải miền Trung như Bình Định, Phú Yên. Khi thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thế giới ngày càng đòi hỏi nghiêm ngặt về nguồn gốc gỗ (chứng chỉ rừng - FSC) hoặc gỗ có nguồn gốc hợp pháp như Mỹ có đạo luật Lacey, các nước EU có Fleght, nhưng gỗ trong nước chưa thể đáp ứng điều này. Diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC ở Việt Nam chỉ vài chục ngàn ha.


Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), rừng là tài nguyên thiên nhiên tái sinh hàng năm nhờ sự phát triển sinh khối cây rừng. Ngành chế biến gỗ xẻ có sự phát triển bền vững khi nhà nước có bước đi đồng bộ trồng rừng và cấp chứng chỉ về rừng, cũng như có chính sách hợp lý về vốn vay để người trồng rừng không khai thác sớm và việc hình thành những trung tâm sơ chế ban đầu để cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ vùng Đông Nam bộ. Ở Trung Quốc, ngành chế biến gỗ nhập gỗ nguyên liệu từ Nga, tổ chức cưa xẻ ở Nội Mông sau đó vận chuyển về các nhà máy chế biến tập trung. Tạo được các chuỗi liên kết đó mới giúp phát triển chế biến vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc và là nguồn sinh kế ổn định của người trồng rừng vừa chủ động nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến lại vừa đảm bảo môi trường sống cho người dân.

Bộ NN-PTNT cho rằng, nguồn gỗ trong nước ngày càng nhiều nhưng do khai thác sớm, nên đường kính gỗ còn nhỏ, chất lượng thấp, do đó vẫn phải phụ thuộc nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm có giá trị cao. Đây là một nghịch lý, làm cho ngành chế biến gỗ có tính cạnh tranh thấp trên thị trường. 

Dù không còn phải xuất khẩu tập trung vào 1 nước để tái xuất sang nước thứ 3 như trước, nhưng khi xuất khẩu trực tiếp, hầu hết các DN chưa có mạng lưới phân phối sản phẩm ở nước ngoài, vẫn phải qua những tập đoàn bán lẻ nên bị động về thị trường. Bên cạnh gỗ nguyên liệu nhập khẩu chiếm 35%-40% giá thành, ngành công nghiệp phụ trợ chưa có, đa phần phải nhập khẩu giá cao chiếm 10%, chi phí bán hàng lớn khoảng 14% làm giảm khả năng cạnh tranh nên lợi nhuận của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chỉ còn khoàng 5% giá trị xuất khẩu.

theo sài gòn giải phóng

2013: Dự kiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 5,5 tỷ USD


 Theo Bộ NN&PTNT, quý I-2013, xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt trên 1,2 tỷ USD. Với mức tăng trưởng này, ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản có thể đạt kim ngạch 5,5 tỷ USD trong năm nay.

Hiện cả nước có khoảng 3,5 triệu héc ta rừng. Với lượng gỗ khai thác được xấp xỉ 6 triệu mét khối, trong đó 80% dùng chế biến dăm cho xuất khẩu và 20% cho chế biến gỗ... Tuy nhiên, do phát triển nhanh, trong những năm qua, ngành này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. 



Hầu hết các doanh nghiệp phát triển không gắn với vùng nguyên liệu, dẫn tới tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh trong thu mua gỗ nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nhiều nhưng hầu hết không có mạng lưới phân phối sản phẩm ở nước ngoài mà đều phải thông qua đơn vị trung gian nên bị ép giá và bị động về thị trường.


theo hà nội mới