Khi thưởng thức rượu vang, người ta thường nhắc đến giống
nho, vùng nho hay năm thu hoạch mà ít đề cập đến thùng
gỗ sồi. Trong khi yếu tố
này có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng rượu.
Gỗ sồi được dùng để ủ rượu vang từ bao giờ? Sử
sách Hy Lạp còn ghi ngay từ thời cổ đại, ở vùng Lưỡng Hà, người ta đã biết dùng
gỗ cây cọ để đóng thùng chuyên chở rượu dọc theo sông Euphates. Tuy nhiên, vì
cọ là loài cây rất khó uốn để đóng thành thùng tròn, nên nó dần dần được thay
thế thử nghiệm bởi những loại gỗ khác nhau.
Việc dùng
gỗ sồi trong quá trình làm rượu vang
đã xuất hiện cách đây khoảng 2000 năm. Nghĩ ra tuyệt chiêu này là người La Mã ,
và sau đó, nó được phổ biến ra nhiều nơi khác. Theo thời gian, người ta khám
phá ra rằng rượu vang được giữ trong thùng gỗ sồi sẽ làm cho vị rượu mềm mại
hơn, và ở một số trường hợp, tạo ra hương vị ngon hơn. Việc đóng những thùng gỗ
sồi dần trở thành một nghệ thuật cũng đòi hỏi sự cầu kỳ tinh tế không kém gì
chính thứ rượu mà chúng đựng bên trong. Robert Mondavi, một chuyên gia ở
California, Mỹ, được giới làm rượu ngưỡng mộ chính bởi những kiến thức của ông
về
gỗ sồi, cách ông sử dụng chúng qua những hình dáng thùng rượu khác nhau. Cần
nói thêm là ngoài vang, thùng gỗ sồi cũng còn được dùng để ủ nhiều loại rượu
khác như rum, whisky, cognac và cả sake.
Thùng gỗ sồi tác động thế nào đến chất lượng
rượu vang? Những hoá chất có sẵn trong
gỗ sồi có ảnh hưởng sâu sắc tới rượu
vang. Chất phenol trong gỗ sồi khi tác dụng với rượu vang sẽ tạo ra mùi vanilla
và vị ngọt chát của trà hay vị ngọt của hoa quả. Gỗ sồi cũng tác động lên màu
sắc của rượu. Ví dụ vang trắng khi lên men trong thùng gỗ sồi sẽ có màu vàng
rơm và trắng đục. Vang trắng khi lên men trong thùng inox rồi ủ trong thùng gỗ
sồi sẽ có màu vàng hổ phách.
Do thùng
gỗ sồi được ghép bằng các thanh gỗ với
nhau, nên khoảng hở giữa các thanh gỗ sẽ cho phép một lượng nhỏ nước và cồn của
rượu bay hơi ra ngoài và một lượng ôxy nhỏ lọt vào trong, tác động đến rượu
cốt. Thường thì quá trình trao đổi chất này quá ít để rượu có thể bị thất thoát
hoặc ôxy có thể ôxy hoá rượu vang. Ngược lại, chính nhờ không khí ẩm thấp của
hầm rượu (với độ ẩm gần 100%), mà lượng còn thoát hơi nhiều hơn nước – rất hữu
dụng cho loại rượu vang cốt có độ cồn cao. Khi lượng cồn giảm đi, vang sẽ có
hương vị và đậm đặc hơn. Mặt khác, lượng ôxy nhỏ lọt vào trong thùng cũng sẽ là
chất xúc tác làm cho độ chát (tanin) của rượu dịu ngọt hơn.
Chất lượng rượu vang còn phụ thuộc vào cả những
yếu tố tạo nên các thùng
gỗ sồi. Giống như gỗ sồi, thổ nhưỡng của vùng đất
chúng được trồng, cách các tang thùng được xẻ và phơi khô hay được cắt và sấy,
độ hun gỗ để uốn tang thùng…tất cả đều có thể ảnh hưởng đến mùi vị của ly rượu
bạn cầm trên tay.